Rừng vàng trắng
Cao su là một trong số hiếm hoi các mặt hàng xuất khẩu đầu vị của Việt Nam theo phương thức hàng đổi hàng thời bao cấp quốc tế. Đến thời hội nhập, dù danh mục mặt hàng xuất khẩu chủ lực dài thêm, cao su vẫn là con bài chủ lực của xuất khẩu nước ta.
Nhờ những năm 2010-2012 mở rộng việc trồng cùng quy trình chăm sóc mới, với 70% diện tích đang được khai thác, cây cao su vẫn giữ được vị thế, cung ứng khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thiên nhiên thế giới, đứng thứ ba sau Thái Lan và Indonesia. Năm 2018, sản lượng cao su đạt 1,4 triệu tấn. Ngoài thủ phủ là vùng đất đỏ bazan phương Nam, những năm gần đây, cây cao su bén rễ xanh cây trên rừng đồi Tây Bắc.
Từ mủ, đến đồ gỗ và sản phẩm công nghiệp
Cao su của Việt Nam được ưa chuộng, xuất khẩu tăng vọt vào năm 2006. Năm 2006, xuất khẩu cao su đạt 1,273 tỉ đô la Mỹ trong khi năm 2005 là 804 triệu đô la. Từ đấy xuất khẩu cao su liên tục tăng và vượt mốc 2 tỉ đô la, lên đỉnh 3,2 tỉ đô la vào năm 2011, đứng thứ 3 trong 9 mặt hàng thuộc nhóm nông lâm thủy sản. Đại gia đình cao su đông đúc, trong đó 100 doanh nghiệp có hạng, góp hơn 80% tổng mủ lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu cao su đến 70 thị trường, chiếm 12% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, thứ 4 thế giới sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, năm 2018 mua tới 65,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước, thứ hai là Ấn Độ 7%, rồi Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ... Nga, Belarus thời bao cấp nhận cao su Việt Nam qua đổi hàng đáng kể, đến thời đổi mới có vẻ như không mặn mà.
Sau khi hết chu kỳ lấy mủ, trước đây thân cây cao su thường làm củi hoặc vứt bỏ. Gỗ cao su thuộc vào nhóm VII, tỷ trọng nhẹ, sức chịu lực kém, dễ bị mục, bị mối tấn công, nên chẳng mấy ai quan tâm. Cho đến những năm 2000, khi tiến bộ khoa học được áp dụng vào xử lý gỗ, thì gỗ cao su được để mắt tới. Đồ gỗ làm từ gỗ cao su nay bền lại hợp sinh thái đã nổi lên, trong khi gỗ cao cấp ngày càng hiếm, giá cao, làm ra đồ gỗ giá càng chát. Mỗi năm, ngành chế biến gỗ sử dụng khoảng 4,5-5 triệu mét khối gỗ cao su nguyên liệu, đem lại 1,7-1,8 tỉ đô la, chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành đồ gỗ Việt Nam, và là một trong ba nhóm mặt hàng xuất khẩu chính của ngành cao su.
Sinh sau đẻ muộn song những năm gần đây sản phẩm từ cao su như dụng cụ y tế, vật dụng thí nghiệm, vỏ ruột ô tô và xe máy, rulô, băng tải... ngày càng dồi dào, xuất khẩu tăng. Năm 2016 xuất khẩu sản phẩm cao su đạt 482,8 triệu đô la, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; Các cặp số tương tự của năm 2017 là 596,8 triệu đô la và 23,6%; Năm 2018 là 711 triệu đô la và 19,1%; Sáu tháng đầu năm 2019 là 333 triệu và 8,8%.
Việc xuất khẩu sản phẩm cao su như mũi tên trúng nhiều đích: Gia tăng giá trị cao su nguyên liệu - hạn chế nhập khẩu loại tương tự - thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ nước nhà.
Nút thắt
Trong khi hai mặt hàng phụ dính dáng đến cao su ngày càng sáng giá, thì mủ cao su - mặt hàng chính làm nên tên tuổi của ngành cao su, từng được gọi là vàng trắng, đang lập cập.
Cao su xuất khẩu của Việt Nam có tới 60% là cao su tự nhiên đã định chuẩn về kỹ thuật và cao su tự nhiên dạng nguyên thủy. Dù cũng được quan tâm đầu tư trong mấy năm gần đây, nhưng với quy mô gia công nhỏ, năng suất khiêm tốn, vì vậy, những mặt hàng thị trường thế giới cần nhiều, giá cao như cao su ly tâm SVR 10, 20... thì ít, còn loại SVR 3L giá thấp, thị trường thế giới cần ít, chỉ Trung Quốc có nhu cầu, thì nhiều. Cao su Việt Nam hầu như không có thương hiệu nên luôn phải bán với giá thấp hơn so với các nước khác.
Năm 2019, tình hình của ngành cao su chưa thể cải thiện. Trên thị trường cao su thế giới cung vẫn vượt cầu, giá thì đỏng đảnh. Năm 2011 đạt đỉnh 4.000 đô la/tấn rồi lao xuống đáy 1.333 đô la/tấn vào năm 2016, sau đó dù đã quay đầu tăng rồi đi ngang cho đến nay, song vẫn thấp hơn giá hồi đầu năm 2018, thấp hơn nhiều so với đầu năm 2017. Sáu tháng đầu năm 2019 xuất khẩu mới đạt 822 triệu đô la, khiến dự báo cả năm 2019 giữ được mốc 2 tỉ đô la trở nên khó khăn.
Là nước xuất khẩu cao su thứ tư thế giới, song vị thế đó cũng không làm cho cán cân thương mại về cao su đẹp. Năm 2018, khi xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su được 2,8 tỉ đô la thì nhập khẩu cao su và sản phẩm cao su cũng đến gần 2 tỉ đô la. Cặp số tương tự của sáu tháng đầu năm 2019 là xuất khẩu 1,184 tỉ đô la và nhập khẩu 996 triệu đô la.
Cao su dường như không còn hấp dẫn. Đã có vài công ty cao su “nhảy” sang kinh doanh khu công nghiệp, lợi nhuận hơn hẳn so với theo đuổi thuần túy cao su. Giật mình khi nghe tin, cái mà nhà đầu tư quan tâm đối với những doanh nghiệp này không phải ở cây cao su mà là ở những vạt đất rừng cao su có thể “chuyển hóa” thành mặt bằng công nghiệp. Các cánh rừng cao su khu vực phía Nam vốn là các đồn điền thời Tây, quỹ đất dồi dào, địa chất ổn định, khá bằng phẳng không mất nhiều công san lấp, tôn tạo khi dựng xây công trình, như khối nam châm hút những đại gia thèm đất, mê dự án.
Sẽ tính sao?
Cây cao su không chỉ là lợi thế kinh tế của đất nước mà còn liên quan tới xã hội - an ninh, quốc phòng, nên phải phát triển. Để nuôi dưỡng các cánh rừng cao su xanh tốt, gắn liền với nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, phải áp dụng công nghệ mới từ giống, quy trình chăm bón, thu mủ, chế biến nhằm nâng cao năng suất, tăng hàm lượng giá trị. Cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất để không sa vào những dự án không thiết thực với cao su.
Ngoài ra, cần chủ động giảm tỷ lệ xuất khẩu nguyên liệu thô, đẩy mạnh công nghiệp chế biến đồ gỗ từ gỗ cao su, sản phẩm từ cao su nguyên liệu bằng kỹ thuật tân tiến, mẫu mã mới, chất lượng cao; nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đa dạng thị trường. Tăng cường hợp tác với các quốc gia có trình độ tiên tiến về cao su, tiếp thu tinh túy, truyền cảm hứng vào cao su Việt Nam.
https://www.thesaigontimes.vn/293618/hay-lam-cho-cao-su-mai-la-vang-trang.html
https://vnrubbergroup.com/tin-tuc/Hay-lam-cho-cao-su-mai-la-vang-trang